Tem thì tất nhiên là do hoạ sĩ vẽ và sáng tác. Nhưng khi mà con tem đó được sáng tác bởi những hoạ sĩ nổi tiếng thì đó chính là một tác phẩm nghệ thuật cùng với công sức tìm tòi sáng tác rất công phu.
1. HOẠ SĨ TÔ NGỌC VÂN
HOẠ SĨ TÔ NGỌC VÂN
Tô Ngọc Vân là một danh hoạ tiêu biểu của nền hội hoạ Việt Nam. Sinh năm 1906, Tô Ngọc Vân lớn lên và trưởng thành ở Hà Nội, nhưng nguyên quán lại ở Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hi Hưng.
Tô Ngọc Vân học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dưng khoá 2 (1926 – 1931). Mới ra trường ông đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông đi vẽ nhiều: Phnôm Pênh, Băng Cốc, Huế… Dạy hội hoạ ở trường THPT Phnôm Pênh (1936) rồi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1939). Ông vừa dạy, vừa sáng tác và có nhiều tác phẩm nổi tiếng cho đến ngày nay.
Tô Ngọc Vân tham gia Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp từ rất sớm, hoạt động trên nhiều chiến trường, vẫn nhiệt tình sáng tác. 1950, ông làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân hi sinh ngay trên chiến trường Điện Biên Phủ, lúc mới 48 tuổi, khi cuộc kháng chiến 9 năm sắp kết thúc. Hơn hai mươi năm cầm bút vẽ, Tô Ngọc Vân đã để lại nhiều tác phẩm giá trị trong kho tàng nghệ thuật hội hoạ Việt Nam.
Điều đặc biệt ít ai ngờ tới: Tô Ngọc Vân là một trong số rất ít hoạ sĩ Việt Nam đã sớm vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc (Postes Indochine). Mẫu tem Apsara được ông thiết kế từ nguồn tư liệu của những chuyến đi vẽ, sáng tác ở khu đền Ăngkor Vát, Ăngkor Thom (Campuchia). Hình tượng chính của con tem là nữ thần Apsara, một trong hàng ngàn tượng vũ nữ điêu khắc nổi trên những vách đền đài của nền văn hoá cổ Kh’mer.
Tem Apsara vẽ nét đơn giản, một màu, giữ được bản sắc cổ kính của điêu khắc đá đình chùa miếu mạo Á Đông. Mẫu tem thể hiện nét đặc trưng nghệ thuật Kh’mer với những nét hoa văn mây, lá, đầu rắn… uốn lượn, cách điệu theo lối cổ điển… hình lá đề – mô típ của Phật giáo.
Tem Apsara được in thành một bộ 5 con có 5 giá từ 50c đến 2$ và 5 màu khác nhau: nâu, tím, xanh dương, xanh lá, đỏ; in tại Paris, mang tiêu đề “Postes Indochine” và “RF”, phát hành vào những năm 1932 đến năm 1941. Trên mỗi con tem ghi rõ tên tác giả: Tô Ngọc Vân, H.CHEFFER. Tem Apsara được lưu hành rộng trên toàn cõi Đông Dương.
Tem Apsara của danh hoạ Tô Ngọc Vân là mẫu tem thứ 23 của Bưu điện Đông Dương kể từ khi Pháp phát hành tem thư ở Việt Nam. Và cũng là tem duy nhất ông góp vào nền nghệ thuật tem thư ở Việt Nam. Tem Apsara của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân còn là biểu hiện sự giao lưu văn hoá lâu đời của hai dân tộc Việt và Kh’mer.
2. HOẠ SĨ NGUYỄN VĂN TỴ
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ
Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ sinh năm: 1917. Tốt nghiệp: Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1936 – 1941. Ông đã từng đoạt Huy chương Vàng và Bằng ngoại hạng Triển lãm SADEAI – 1937, 1939. Huy chương Bạc Triển lãm đồ hoạ quốc tế CHDC Đức năm 1965. Tác phẩm tiêu biểu: Hai cô gái Mường trẩy hội – 1940 (khắc gỗ in trên lụa), Chợ Bờ – 1940 (sơn mài), Nhà tranh gốc mít – 1958 (sơn mài), Đêm Noel Hà Nội 1972 – 1973 (sơn mài), Phong cảnh – 1991 (sơn mài)…
Cố hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ thuộc thế hệ hoạ sĩ từ năm 1940, sở trường về tranh sơn mài. Ông sớm có tài năng từ lúc đang học ở trường Mỹ thuật; các năm 1936 – 1938, đã có tham dự triển lãm quốc tế. Năm 1942 mở triển lãm tranh riêng ở FARTA. Ông sớm tham gia cách mạng và gắn hội hoạ phục vụ kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Trên 50 năm, ông sáng tác, tham gia quản lý, nghiên cứu giảng dạy, đồng thời đào tạo nhiều thế hệ nối tiếp trong lĩnh vực hội hoạ. Sách “Bước đầu học vẽ” do ông viết dày hơn 300 trang, phát hành từ năm 1963, là một giáo trình cẩm nang hội hoạ có giá trị.
Năm 1965 nhân kỷ niệm Quốc Khánh nước CHND Trung Hoa (01.10.1965) hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ được Bưu chính VN mời vẽ bộ tem này. Ông coi đó là một vinh dự và sẵn sàng nhận lời. Vẽ bộ tem này, ông làm khá công phu, hàng ngày đi dạy học về, lại mải miết vẽ, hết khổ to, lại thu nhỏ, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần…”. Bộ tem phát hành ngày 01.10.1965 đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh CHND Trung Hoa năm đó.
Mẫu tem 1, bố cục dọc, vẽ hai em bé gái Việt Nam, Trung Quốc, trang phục truyền thống. Hai em vẻ mặt hồn nhiên, rạng rỡ đi sát bên nhau từ cổng “Hữu Nghị Quan” sang phía Việt Nam.
Mẫu tem 2, bố cục ngang, phía phải tem đặc tả hai thanh nữ Việt Nam, Trung Quốc. Hai gương mặt nhìn nghiêng cùng hướng về phía trái tem, tay cầm hai lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, đang tung bay góc trái. Dưới cờ, lấp ló dải chân núi biên cương, phía sau cổng Hữu Nghị Quan, ánh sáng cùng đổ về trước mặt tem rực rỡ.
Mẫu 1 và Mẫu 2
Ngày nay, bộ tem “Hữu Nghị Quan” là một kỷ vật quý của gia đình cố hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
3. HOẠ SĨ LÊ VINH
Hoạ sĩ Lê Vinh sinh năm: 1923. Nguyên quán: Đồng Nai. Ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Gia Định (1941), thực tập sinh Học viện Mỹ thuật tại CHDC Đức (1965 – 1968). Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam 1957. Tác phẩm tiêu biểu: Bế Văn Đàn, Du kích Đồng Tháp Mười (tranh lụa); Nam Kỳ khởi nghĩa, Đánh chiếm cao điểm Điện Biên Phủ, Dũng sĩ tí hon, Du kích Củ Chi (sơn mài).
Hoạ sĩ Lê Vinh từng được ngành bưu chính mời tham gia vẽ hai bộ tem: Chim Cò (1963) và Thú rừng loại ăn cỏ (1973). Ông nói: “Được ra nước ngoài tu nghiệp, mới thấy người chơi tem nhiều lắm, kể cả đàn bà, trẻ nhỏ, mới vỡ lẽ con tem là chuyện lớn, con tem nói rất nhiều, có vai trò tuyên truyền sâu rộng… Con tem nhỏ song nghệ thuật không nhỏ, nghệ thuật không thể vội vàng… Vẽ con chim, con thú phải là của Việt Nam, có tư thế và cảnh quan phù hợp,…”. Ông tìm hiểu trên sách báo, đi thăm vườn cây, chim thú, đến trường đại học gặp gỡ các nhà sinh vật học, quan sát, ghi chép miệt mài…
Bộ tem “Chim Cò” có sáu mẫu và một blốc, Lê Vinh vẽ chung với hoạ sĩ Bùi Trang Chước – một hoạ sĩ lão thành giàu kinh nghiệm trong nghề thiết kế tem thư. Hoạ sĩ lê Vinh đã thành công trong bốn mẫu: bói cá, sáo đen, cò, blốc cò, và sau đó là bộ tem “Thú rừng” bốn mẫu do ông thiết kế.
Đây là bộ tem “Chim Cò”, “Thú rừng” (loài ăn cỏ) đầu tiên của Việt Nam được thiết kế công phu, có giá trị về thông tin khoa học và mỹ thuật, lại được in đẹp. Tem được đông đảo người chơi tem đón nhận nồng nhiệt. Hai bộ tem ngày càng có giá, đặc biệt là bộ tem “Chim Cò”, nhất là blốc Cò từ nhiều năm nay rất quý, khó kiếm! Có nhà sưu tập còn tha thiết xin mua bản phác thảo của ông!
4. HOẠ SĨ THÀNH CHƯƠNG
Thành Chương sinh năm 1949, tại Bắc Giang, là con trai cả của nhà văn Kim Lân, quê Bắc Ninh. Gia đình có 5 anh em đều là hoạ sĩ. Năm 7 tuổi ông đã vẽ bức tranh “Con gà tồ” được giải thưởng quốc tế, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1965. Ông từng là hoạ sĩ của báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam).
Thành Chương là hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên có tác phẩm hội hoạ (cùng với tác phẩm của 5 hoạ sĩ: Jose Zaragoza – Brazil, John Terry – Australia, Ikko Tanaka – Nhật Bản, Ernest Pignon và Paul Siché – Pháp) được Liên Hiệp Quốc (LHQ) chọn thiết kế thành con tem phát hành trên toàn thế giới. Sáu tác phẩm hội hoạ này được thiết kế thành bộ tem sáu mẫu, với 2.310.000 con được LHQ phát hành ngày 29.3.2001, cùng 45.000 tờ kỷ niệm thiết kế từ bộ tem trên nhân “Năm quốc tế người những tình nguyện – 2001″.
Năm 2000, Tổ chức UNESCO của LHQ phối hợp với Đài truyền hình NHK (Nhật) tổ chức cuộc triển lãm tranh quốc tế “Một trái tim – một thế giới”, chủ đề tình thương, kêu gọi chia sẻ với những người tàn tật. Triển lãm khai mạc tại trụ sở LHQ (New York) ngày 04.5.2000, sau đó được trưng bày tại Sao Paulo (Brazil), Paris (Pháp), Hà Nội (Việt Nam), Sydney (Australia), Tokyo (Nhật Bản)… Nhiều quốc gia tham gia triển lãm này.
Thành Chương vẽ bức tranh này rất nhanh, bằng sơn dầu trên vải, với khuôn khổ 435 x 444mm. Bức tranh có hoà sắc tươi vui, nóng ấm một niềm tin cậy… Ông đặt tên bức tranh là “Tình yêu”.
Hoạ sĩ rất vui khi thấy tác phẩm của mình được LHQ đánh giá cao trong một cuộc triển lãm có nhiều hoạ sĩ của các quốc gia cùng tham gia. Ông có thể tự hào là hoạ sĩ đã có đóng góp vào quá trình hội nhập của hội hoạ Việt Nam vào tem thư thế giới.
Xem thêm những review mới nhất tại Gì cũng Review